Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022): Tri ân từ trái tim!

08:46 | 27/07/2022 Lượt xem: 86

Tháng 7 lại về với những hoạt động cao điểm trên cả nước trong hành trình “đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công. Không chỉ là những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa cụ thể, nghĩa tình, đây còn là dịp để mỗi người đang được hưởng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất nhắc nhở nhau nâng cao trách nhiệm giữ gìn hòa bình, phát triển đất nước để không phụ lòng các thế hệ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc.

 1. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, ý chí anh dũng kiên cường, bất khuất đã đem cả máu xương cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong thế kỷ XX, lớp lớp con em ưu tú của dân tộc đã xếp bút nghiên, tạm quên hạnh phúc cá nhân lên đường làm cách mạng, kháng chiến chống quân xâm lược, làm nên những kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, giành độc lập - tự do và xây dựng đất nước. Từ thắng lợi của “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã khiến cộng đồng quốc tế ngả mũ khi giành chiến thắng trước hai đế quốc, thực dân hùng mạnh hàng đầu thế giới, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do trên toàn cầu. Hòa bình chưa lâu, cả nước lại phải bước vào hai cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc với chiến thắng vang dội không kém, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn anh em.

 
Dĩ nhiên, không có thành công, chiến thắng nào đến dễ dàng. Để viết nên trang sử vàng chói lọi kể trên, hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần xương máu, tô thắm cho lá cờ chiến thắng của Tổ quốc quang vinh. Hiện cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính và hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật.
 
2. Ghi nhận những đóng góp, sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, ngay từ khi lập nước, ngày 16-2-1947, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 20/SL về “Ưu đãi người có công”, sau đó được bổ sung, sửa đổi bằng Sắc lệnh 242/SL ngày 12-10-1948 quy định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng tử sĩ, thực hiện chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình tử sĩ. Đến ngày 17-7-1947, trong thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý chọn ngày 27-7 hằng năm là “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” - ngày để quân dân cả nước bày tỏ sự biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, đồng thời đánh dấu sự ra đời của các hoạt động tình nghĩa “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đối với người có công với cách mạng trong tháng 7 hằng năm. Người căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.
 
Dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như sự phức tạp của tình hình chính trị thế giới, nhưng năm 2021, Đảng, Nhà nước vẫn quyết định tăng 50% mức quà tặng (so với năm 2020) cho người có công, gia đình người có công nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Năm nay, dù cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn do giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng, nhất là giá xăng, nhưng mức quà tặng các gia đình chính sách vẫn được giữ nguyên như năm 2021. Cụ thể, theo Quyết định số 754/QĐ-CTN về việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), quà tặng được chia thành hai mức: 600.000 đồng và 300.000 đồng. Về phía thành phố, năm nay, Hà Nội dự kiến tặng 122.045 phần quà đến người có công và thân nhân với tổng kinh phí 97,63 tỷ đồng. Mức quà bằng tiền mặt 1 triệu đồng/người được gửi đến Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi); người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Phần quà 500.000 đồng được gửi tới đại diện gia tộc thờ cúng liệt sĩ. Ngoài ra, Hà Nội còn tặng 72 suất quà đối với cá nhân người có công tiêu biểu, mỗi suất 2,5 triệu đồng, trong đó có 2 triệu đồng tiền mặt.
 
3. Chiến tranh đã lùi xa nhưng bóng ma của nó vẫn hiển hiện, nhất là khi tình hình địa - chính trị, kinh tế thế giới đang diễn biến rất phức tạp. Trong nỗ lực thực hiện sứ mạng đem hòa bình tới nhân dân các nước, từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức cử cán bộ, chiến sĩ tham gia Phái bộ của Liên hợp quốc giữ gìn hòa bình tại châu Phi. Lực lượng Việt Nam tham gia Phái bộ của Liên hợp quốc ngày càng tăng với nhiệm vụ đa dạng, phức tạp hơn. Đáng mừng là các chiến sĩ giữ gìn hòa bình đến từ Việt Nam được người dân bản địa và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, nhất là trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Thế nhưng, cái giá của hòa bình luôn rất đắt. Đầu năm 2022, Trung tá Đỗ Anh đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi. Ở trong nước, với truyền thống, tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, đâu đó vẫn có những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hy sinh, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ. Mới nhất là ngày 26-6-2022, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Văn Nhiên đã hy sinh khi cứu một cháu bé bị đuối nước ở Phú Quốc. Sự hy sinh của 13 liệt sĩ trên đường đi cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) năm 2020 cũng sẽ khó phai trong tâm trí nhiều người... Đó là chưa kể không ít cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang âm thầm đóng góp, bị thương trong công cuộc đấu tranh chống tội phạm, giữ bình yên xã hội.
 
Nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt khiến đồng đội phải thốt lên: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”; nhiều liệt sĩ chưa xác định được danh tính thì nay vẫn có người tiếp tục ngã xuống vì Tổ quốc, vì nhân dân. Thật đau xót! Thế mà, không ít người, do nhận thức không tới, bị tác động tiêu cực bởi các thế lực thù địch, đã có những phát ngôn, hành động không chuẩn mực, thậm chí đòi xét lại lịch sử. Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm cũng chính là dịp để những cá nhân đó tự xem lại mình, là dịp để cộng đồng xã hội lên tiếng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhằm thức tỉnh những cái đầu còn u mê, “ăn cháo đá bát”, “ăn cây táo, rào cây sung”. Tri ân không cần phải “mâm cao, cỗ đầy”, mà cao hơn, cần hơn là nhận thức đúng, trách nhiệm cao của mỗi người. Bên cạnh tiền nhân đã hy sinh, các thương binh, bệnh binh, chẳng đâu xa, hãy thể hiện sự tri ân với những người đang cống hiến nơi tuyến đầu, biên giới, hải đảo, đang đối đầu với hiểm nguy, những người luôn sẵn sàng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, vì cuộc sống bình yên.
Ngày Thương binh - Liệt sĩ Kỷ niệm 75 năm Tri ân từ trái tim.
Nguồn: Báo Hà Nội mới