Bình Phong Phong Thuỷ

23:44 | 08/03/2019 Lượt xem: 575

Bình phong xuất phát từ các yêu cầu trong phong thủy, chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của đất, ngăn chặn khí xấu. Dần dần, ngoài chức năng khắc phục những yếu tố xấu, phát huy những yếu tố tốt về phong thủy cho không gian sống, bình phong còn trở thành, vật trang trí trong kiến trúc

Ngoài công năng sử dụng thông thường là để ngăn phòng và trang trí thì trong phong thủy bức bình phong cũng có rất nhiều công dụng. Có thể kể đến bức bình phong có khả năng hóa giải và làm chậm lại các dòng năng lượng xấu đang di chuyển nhanh ở trong nhà.

Trong phong thủy, bình phong giúp giảm bớt tính vượng của Hỏa khí, Hỏa khí quá vượng sẽ không tốt cho người vợ và trẻ nhỏ ở trong nhà. Theo thuyết Ngũ hành trong nhà ở, phía trước các công trình thuộc Hỏa (tức ở phía Nam), bên phải thuộc Kim (ở phía Tây), tượng trưng cho chủ nhà; bên trái thuộc Mộc (phía Đông) biểu tượng thê tài (vợ, tiền tài), phía sau thuộc Thủy (phía Bắc) tượng trưng cho tử tôn (con cháu), còn trung tâm thuộc Thổ. Quy định này cũng tương ứng với kiến trúc nhà xưa thường đắp bằng đất (Thổ), nhà sinh ra chủ (Kim), chủ sinh ra con cháu (Thủy) và điều khiển vợ, người làm (Mộc).

Chính vì vậy, hiện nay có rất nhiều gia đình sử dụng bức bình phong trong nhà mình.

Vị trí đặt bức bình phong phù hợp theo phong thủy

Vị trí đặt bức bình phong rất quan trọng, nếu được đặt đúng vị trí nó có khả năng thu hút sinh khí, vạn sự hưng thuận mang đến nhiều sự tốt đẹp cho gia chủ. Cụ thể bức bình phong nên được đặt ở vị trí sau:

– Bức bình phong có thể đặt ở khu vực huyền quan (khoảng không gian giữa cửa chính và phòng khách). Đặt bình phong ở đây vừa giúp đảm bảo sự riêng tư cho gia chủ, vừa ngăn cản được các luồng khí xấu từ bên ngoài vào trong nhà.

– Gia chủ nên đặt bức bình phong ở vị trí dễ sinh hòa khí, làm cho trường khí ở trong phòng được cân bằng.

– Gia chủ tránh đặt bình phong và ghế sofa quay lưng lại với nhau và bình phong kỵ đối diện với cửa phòng bếp.

– Trường hợp nhà có cửa chính ở đối diện với hành lang hoặc lối đi (xuyên tâm kiếm) thì nên đặt một tấm bình phong để tránh sát khí vào nhà.

– Nếu hướng xuống của cầu thang đối diện với cửa đi thì việc đặt một tấm bình phong sẽ giúp tài khí trong nhà không thoát ra ngoài.

– Ngoài ra các trường hợp sau đây cũng nên đặt một tấm bình phong:

+ Chắn cửa nhà vệ sinh với cửa bếp

+ Chắn ban công với cửa chính

+ Chắn cửa sổ thông với cửa chính

+ Bàn làm việc đặt quay lưng về phía cửa chính

+ Phòng ngủ có nhà vệ sinh khép kín bên trong, ngoài cửa phòng cũng nên đặt một bình phong che đi.

 

Nhìn chung bức bình phong có rất nhiều tác dụng đối với căn nhà và cũng có rất nhiều vị trí đặt để mang lại những điều may mắn theo phong thủy cho nhà bạn.