Tượng Bồ Tát Phổ Hiền bằng đồng
- Hoàn tiền nếu không nhận được hàng hoặc thiếu hàng
- Bồi thường nếu sản phẩm không đúng theo mô tả
- Trả lại hàng khi sản phẩm không đúng theo mô tả
bên phải Phật Thích Ca là thị giả thứ hai – bồ tát Phổ Hiền. Giờ mà dùng những từ ngữ vẫn dùng để nói về “tính chất” của vị bồ tát này thì chúng ta rối mất. Những “đại trí”, “đại hạnh” …, nói cho cùng vị bồ tát nào chẳng có. Để nhớ được ngay đặng còn đi chùa, đến được đúng tượng, khấn chính xác những việc trong “thẩm quyền giải quyết” của Phổ Hiền bồ tát, có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ… con voi.
Người ta bảo, con voi có những phẩm chất sau: khôn nhất, khỏe nhất, kiên định nhất. Mà cao nhất ở loài voi là voi trắng. Về mặt biểu tượng, voi (trắng) có lẽ còn hơn sư tử (xanh) một bậc. Nếu như sư tử xanh của Văn Thù bổ tát biểu tượng cho sức mạnh của trí tuệ nói chung, thì con voi trắng của Phổ Hiền bồ tát biểu tượng cho một trí tuệ đã qua tu tập.
Theo tài liệu Phật giáo, một tâm thức khi mới tu tập thì còn hoang dã như con voi xám, đến khi tu tập và giác ngộ rồi sẽ như một con voi trắng: mạnh mẽ mà tự kiểm soát được, không để những thứ ngoại thân lôi kéo.
Những thứ ngoại thân đó đến từ đâu? Từ 6 giác quan theo Phật giáo: mắt (thấy vật), tai (nghe tiếng), mũi (nhận mùi), lưỡi (biết vị), xúc (biết vật), tâm (sinh ý). Ta chia thành các cặp đối lập cho những thứ mà từng giác quan mang lại, thí dụ: đẹp/xấu, thơm/thối, dịu/ồn, ngon/dở, mềm/cứng, vui/buồn, từ đó nảy sinh phân biệt, yêu/ghét…
Phổ Hiền bồ tát cưỡi con voi trắng có 6 ngà. 6 ngà đó chính là vũ khí để chống lại những vọng tưởng từ 6 giác quan kia mang lại.
Thầy tôi vẫn giảng, tu là chiến thắng 6 giác quan này, coi những gì chúng mang tới như những vị khách không mời, không chấp chúng, không để chúng làm nhà ta rộn lên (hay buồn rũ) khi chúng đến (hoặc chúng đi). Ta biết những gì 6 giác quan này mang tới chỉ là “vô thường”, là “khách”, nên không để chúng cướp quyền chủ nhà, xúi giục ta nảy sinh phân biệt mà đối xử khác nhau với vạn vật.
Nếu được Phổ Hiền thương mà giúp ta hiểu (và thực hành) được điều trên, kể như ta đã gần thoát khổ. Nghĩ mà xem, chẳng phải mọi nỗi khổ của ta đều bắt nguồn từ một sự lệch lạc về xử lý thông tin sao? Từ một thông tin mà giác quan mang lại, ta nảy sinh những lệch lạc về mất-còn và phân biệt ta-địch, nảy sinh yêu-ghét. Ta muốn mọi sự dễ chịu là “thường hằng”, ở lại mãi; nhưng lại muốn mọi sự không dễ chịu là “vô thường”, biến đi mau mau. Khi không được như thế, ta thấy khổ. Ta phân biệt thứ này là của “ta”, thứ kia là của “địch”. Của “ta” thì phải tốt hơn của “địch”. Không được thế ta cũng khổ nốt.
Nhận ra mọi thứ là vô thường, rồi sẽ không còn, ta sẽ sống trọn vẹn với những thứ đang “còn”. Nhận ra mọi thứ không phải của “ta” cũng không phải của “địch”, ta sẽ đối xử công bằng và ân cần trước mọi điều. 6 giác quan vẫn có đó, nhưng chúng không làm chủ ta được. Ta bình thản nhìn chúng đi qua.
Vậy đứng trước Phổ Hiền, ta khấn gì? Có câu gì ngắn gọn để thưa với ngài không? Kinh nghiệm của tôi là đã đến chùa thì đừng ào ào thắp hương hết các ban thờ. Hãy dành thời gian đứng trước tôn tượng, nghĩ về những gì các biểu tượng muốn gửi gắm, về ý nghĩa của từng vị, ngẫm xem còn những điều gì vị ấy dạy rồi mà ta chưa làm được, còn phải phấn đấu thêm nữa
Nói đến đạo Phật là người ta hay nói đến từ bi, hỉ xả, nhưng nhìn lại 4 vị thị giả đi cùng trong hai bộ ba đến từ Tây Phương và Ta Bà, ta thấy đã có tới 3 vị “chuyên trách” phần trí tuệ, với toàn những thứ đi kèm biểu tượng cho trí tuệ sắc sảo (gươm bén, sư tử xanh, voi trắng, ngà sắc), đủ biết đích ngắm quan trọng nhất của đạo Phật là trí tuệ, là hiểu biết ở mỗi cá nhân. Ai thông minh sẵn rồi thì tu tập sâu vào, ai còn hạn chế thì chuyên cần vào. Bài học “vô ngã”, “vô thường” tưởng rất đơn giản, chỉ nằm trong vài dòng thôi, nhưng khắc nghiệt và khó học. Và dù quyền năng có bao la đến mấy, không Phật nào, Bồ tát nào giúp ta học thuộc được, nếu Phật tính trong mỗi chúng ta chỉ chịu thức tỉnh một tí mỗi khi đọc kinh sách hay đi chùa, thời gian còn lại là để cho tính tham và “cái tôi” mặc sức nổi lên vùng vẫy…
Biết làm sao được, “đời là bể khổ” nhưng con người bản chất vốn ngư dân, chỉ say mê đuổi theo luồng cá lớn…